QUẢN LÝ TÀI CHÍNH CÁ NHÂN VỚI QUY TẮC 50/30/20

LendbizChia sẻ kiến thứcNhà đầu tưQUẢN LÝ TÀI CHÍNH CÁ NHÂN VỚI QUY TẮC 50/30/20

Quản lý tài chính hiệu quả là điều mà bất kỳ ai cũng muốn đạt được, nhưng rất nhiều người không biết phải bắt đầu thực hiện từ đâu. Nếu bạn cũng đang tìm kiếm một phương pháp để quản lý tài chính của mình một cách dễ dàng, phương pháp 50 /30/20 sẽ giúp bạn có một bộ khung đơn giản để quản lý tài chính của mình.

50% thu nhập cho những nhu cầu thiết yếu

Để bắt đầu, hãy gói gọn những nhu cầu thiết yếu của bạn không quá một nửa thu nhập. Sẽ có nhiều người cho rằng 50% là một tỷ lệ quá lớn cho những chi phí thiết yếu trong cuộc sống, nhưng nếu bạn tổng hợp đầy đủ những khoản chi phí trong danh mục này, bạn sẽ thấy con số này có ý nghĩa như thế nào.

Chi phí thiết yếu sẽ là những khoản bạn chắc chắn phải bỏ ra bất kể bạn ở đâu, làm gì hoặc có những thay đổi trong kế hoạch trong tương lai. Những khoản lớn trong mục chi phí này bao gồm tiền ăn, ở, chi phí đi lại, hóa đơn điện, nước,…và thường giống nhau ở hầu hết tất cả mọi người.

Hãy học cách kiểm soát để chi phí này không vượt quá 50% thu nhập của bạn. Trong trường hợp vượt quá mức 50%, hãy bắt đầu điều chỉnh bằng cách cắt giảm các loại hóa đơn. Tích cực sử dụng phương tiện như xe đạp hoặc xe bus thay cho xe máy, ô tô con. Có rất nhiều cách cắt giảm chi tiêu ở khoản này nhưng nếu bạn đã làm mà vẫn không cắt giảm được con số này dưới 50%, bạn bắt buộc phải giảm 5% ở các danh mục tiếp theo.

Các chuyên gia cũng chỉ ra rằng, bạn nên cắt giảm ở phần chi tiêu cá nhân, chứ không nên giảm ở mục tiêu tài chính.

20% thu nhập cho mục tiêu tài chính

20% tiếp theo là phần được dành cho các mục tiêu tài chính. Mục này bao gồm các khoản tiết kiệm, trả nợ, đầu tư hoặc quỹ dự phòng. Danh mục này được thực hiện ngay khi bạn hoàn thành mục chi phí tiết kiệm và trước khi bạn kịp nghĩ tới những khoản chi tiêu cá nhân.

Bạn có thể tận dụng số tiền này để đầu tư sinh lợi như cố phiếu, chứng chỉ quỹ, cho vay ngang hàng hay đầu tư cho giáo dục để có một ví trí tốt hơn cho tương lai. Giá trị của khoản này càng lớn, bạn càng có thể trả nợ và làm giàu nhanh hơn. Hãy tìm kiếm những hình thức đầu tư thông minh giúp cho khoản tiền này có thể “lớn lên” một cách nhanh chóng. Với khoản tiền này, bạn sẽ an nhàn hơn trong khi đến tuổi “nghỉ hưu”. “Nghỉ hưu” có thể là một khái niệm chưa cần thiết ở tuổi 20, 30 nhưng hãy nhớ bạn càng bắt đầu tiết kiệm sớm bao nhiêu thì tuổi già của bạn càng thoải mái bấy nhiêu khi không phải nghĩ đến chuyện tích cóp hàng ngày.

30% thu nhập cho chi tiêu cá nhân

Điều cuối cùng, ít thiết yếu nhưng lại góp phần quan trọng trong sự phân chia thu nhập của bạn đó chính là những chi phí không thiết yếu cho nhu cầu cá nhân của bản thân. Đây là danh mục có thể linh hoạt thay đổi và hạn chế được, nhưng với nhiều bạn trẻ, một số những hình thức “xa xỉ” là một phần không thể thiếu. Mục này có giá trị lớn bởi nó bao gồm rất nhiều thứ phụ thuộc. Bạn có thể liệt kê ngay các khoản chi tiêu này như: tiền điện thoại, ẩm thực, giải trí, du lịch, mua sắm,… Những chi tiêu kể trên sẽ giúp bạn tận hưởng cuộc sống tại thời điểm hiện tại, nhưng đừng bao giờ để chúng vượt qua con số 30%, nên hiểu rằng chi phí ở mục này càng ít, cuộc sống về sau của bạn sẽ càng được đảm bảo.

Thiết lập thói quen chi tiêu là bước đầu để xây dựng tài chính vững chắc, an toàn. Không cần nguồn thu nhập cao, ai cũng có thể áp dụng cách chia này để quản lý tiền bạc của mình. Hãy áp dụng ngay hôm nay và điều chỉnh sao cho thật hợp lý để có một công thức chi tiêu chuẩn nhất cho chính bản thân mình bạn nhé!

Trả lời