Kiểm tra sau thông quan – Cơn ác mộng với Startup!

LendbizChia sẻ kiến thứcDoanh nghiệpKiểm tra sau thông quan – Cơn ác mộng với Startup!

300 triệu nộp phạt – mức HỌC PHÍ CAO, BÀI HỌC ĐẮT GIÁ cho một doanh nghiệp mới chập chững khởi nghiệp còn gặp nhiều khó khăn. Chỉ bằng niềm đam mê với nghề kinh doanh hàng bán lẻ và muốn đưa những sản phẩm tốt nhất tới tay người tiêu dùng, vợ chồng mình gác lại những tấm bằng Đại học danh giá và cả những công việc ổn định sau gần chục năm gắn bó: kế toán, kỹ sư, thiết kế… để khởi nghiệp kinh doanh riêng với hệ thống phân phối hàng tiêu dùng bán lẻ trên Toàn quốc.

Trải qua một hành trình khởi nghiệp đầy rẫy những khó khăn, mình đã đúc kết lại nhiều kinh nghiệm, bài học và cả những trả giá bằng mồ hôi và nước mắt. Nhưng trong đó, bài học đắt giá nhất khiến mình vẫn xót xa mỗi khi nhớ lại là đợt kiểm tra sau thông quan (KTSTQ) khiến mình sa sút tinh thần vì phải nộp phạt số tiền hơn 300 triệu cho những lỗi ngớ ngẩn không đáng có.

Kiểm tra sau thông quan là một trong những hoạt động kiểm tra bình thường của cơ quan Hải quan nhưng bất thường đối với các Doanh nghiệp

Mình và chồng mình đều không học chuyên về xuất nhập khẩu, cũng không học về Ngân hàng nên kiến thức về hàng hóa xuất nhập khẩu có hạn. Chân ướt chân ráo lao vào khởi nghiệp được 2 năm, chưa ổn định thì nhận được lịch KTSTQ. Thực sự mình bị động, không có sự chuẩn bị từ trước, không người tư vấn hỗ trợ cũng như chưa biết cách luồn lách luật, đối phó, mình nhận ngay một trái đắng thực sự đắt giá.

Những câu hỏi của họ hết sức đơn giản, gần gũi, từ từ, không cao siêu, không liên quan chuyên môn nghiệp vụ…

Người kiểm tra DN mình thì như sát thủ, họ đào tạo nghiệp vụ khủng khiếp, từ ngoại hình đến lời nói, dáng đi vô cùng đanh thép, kỹ tính… nhìn thôi mình đã run cầm cập, mất phương hướng.

Những câu hỏi của họ hết sức đơn giản, gần gũi, từ từ, không cao siêu, không liên quan chuyên môn nghiệp vụ… khiến mình không đề phòng. Đi từ những câu hỏi thăm sức khỏe gia đình, bạn bè, con cái, số nhân viên… rất bình thường đến những câu hỏi về hàng hóa, kinh doanh cũng hết sức đơn giản… thế là mình bập vào và dính trưởng luôn. Ví dụ:

Câu hỏi 1: Hàng về đã bán chưa? – Trả lời: Hàng về, khách đợi nên em xuất bán được một ít rồi ạ!

Toang rồi các bạn ạ! Câu hỏi đơn giản thế thôi, nhưng mình toang thật rồi. Theo đúng luật thì hàng về phải thông quan mới được xuất bán. Nhưng mình rất thật thà, cứ nghĩ họ phải test, check…. những cái gì đó thật cao siêu, luật lá khó hình dung. Nhưng thực chất là họ đang kiểm tra và khéo léo đưa mình vào tròng.

Câu hỏi 2: Thế kho ở đây luôn à? – Trả lời: Vâng ạ!

Tan tành luôn, thế là lần 2 lại mắc phải ma trận những câu hỏi như không các bạn ạ. Theo quy định thì hàng về phải khai báo mọi thông tin với cơ quan kiểm tra, kể cả vị trí kho bãi. Nhưng mình đâu biết đây cũng là một trong số những câu kiểm tra của họ.

Câu hỏi 3 & 4: 2 câu hỏi trên thì mình gà thật, nhưng lỗi thứ 3 thứ 4 này thì mình không phục

Đó là: Khi thanh toán quốc tế thì điện thanh toán chỉ có dấu treo, nhưng Hải quan bắt phải có ký, đóng dấu cấp trưởng phòng (theo quy đình giữa các ông bank, thuế, bảo hiểm với nhau…) nhưng đến thời điểm này thì trưởng phòng đó đã nghỉ… và họ bắt mình phải nộp phạt số tiền rất lớn. Hoặc khi họ làm giá, truy thu cũng rất gắt: Giá mình nhập hàng cách đó đã 2 năm nhưng họ áp giá của Cục hải quan ở thời điểm hiện tại (giá trên trời), nhân lên với tất cả các mã sản phẩm trong 2 năm qua để truy thu, để bắt DN mình phải nộp thuế.

Số tiền phạt quá lớn đối với một Doanh nghiệp nhỏ mới khởi nghiệp còn nhiều khó khăn cần vốn liếng

Lòng nặng trĩu mãi không ra nổi khỏi cơ quan kiểm tra, phần vì số tiền phạt quá lớn đối với một Doanh nghiệp nhỏ mới khởi nghiệp còn nhiều khó khăn cần vốn liếng để duy trì như mình. Phần nhiều hơn vì những câu hỏi đơn giản nhưng hóc búa trong khi câu trả lời thật thà đến độ ngớ ngẩn của mình.

Bài học kiểm ra sau thông quan đắt giá nhưng ý nghĩa đáng giá hơn

Nhưng đó là một bài học cho mình, đắt giá nhưng cũng có ý nghĩa lớn, đặt nền móng cho mình của ngày hôm nay: nhanh nhẹn, nhạy bén với tất cả các cuộc kiểm tra, sát hạch còn lại của mọi cơ quan chức năng để không mắc lại lỗi cũ.

Đây cũng là bài học của mình và mình muốn chia sẻ với các DN trẻ bài học, kinh nghiệm để đối phó với cách đợt kiểm tra như này:

  1. Thủ tục nào sử dụng được dịch vụ bên ngoài thì thuê cho nhanh, tiết kiệm thời gian, công sức.
  2. Chỗ nào trả chi phí “đen” được thì chịu khó cắn răng mà chi, tránh bị phân biệt đối xử, làm khó hay bắt bẻ…
  3. Chủ động tìm hiểu đầy đủ, nâng cao kiến thức và tuân thủ đầy đủ những quy định của Hải quan.
  4. Thường xuyên rà soát các hồ sơ, thủ tục để hạn chế rủi ro và chi phí khi cơ quan hải quan thanh, kiểm tra.
  5. Cơ quan hải quan khi KTSTQ sẽ yêu cầu các DN chứng minh các điều kiện để đáp ứng yêu cầu được miễn, giảm thuế. Nếu có, bạn nên show ra để được miễn giảm, hạn chế nộp phạt, nộp chậm trả.

Chúc các bạn mạnh khỏe và kinh doanh thành công, bền vững!

Trả lời