Theo tiến sĩ Nguyễn Hoàng Nam, giá xăng liên tục lập đỉnh như hiện nay sẽ khiến người dân tìm các phương tiện thay thế theo đúng quy luật.
“Cách mạng xe đạp” trên thế giới
Thực tế, dùng xe đạp đi làm đã được người dân trên thế giới sử dụng từ lâu nhưng “cách mạng xe đạp” thực sự bùng nổ khi có dịch Covid-19.
Tháng 6/2021, tại thủ đô London, Anh, nhiều khu phố trung tâm đã trở thành khu vực cấm ô tô, chỉ cho phép xe buýt, xe đạp và đi bộ. Hay các thành phố như Liverpool, Manchester đang trong quá trình xây dựng mạng lưới giao thông cho xe đạp và người đi bộ.
Chính phủ Anh kỳ vọng sẽ có nhiều hơn người đi xe đạp để giảm tải cho hệ thống giao thông công cộng, cũng như giảm bớt khí thải từ phương tiện động cơ đốt trong.
Ông Peter Walker, nhà báo của tờ Guardian chia sẻ: “Ở Anh hiện có khoảng 1.9% người dân sử dụng xe đạp như phương tiện để đi làm. Nếu ta có thể tăng con số này lên 5%, điều đó tương đương với việc có thêm 1.3 triệu người không sử dụng xe buýt hay tàu điện. Điều đó giúp ích rất nhiều trong việc giảm tải cho hệ thống giao thông công cộng trong thời buổi dịch bệnh như hiện nay”.
Còn Thụy Điển, không cần tới khi có dịch Covid-19, đi xe đạp vốn đã là lối sống quen thuộc. Không chỉ có đường dành cho xe đạp trong thành phố. Thụy Điển có những tuyến đường xe đạp xuyên quốc gia, kéo dài hàng trăm km. Có thể nói, chỉ với chiếc xe đạp, người dân Thụy Điển có thể đi bất cứ đâu, miễn là sức khỏe cho phép.
Thống kê giai đoạn 2012-2014, hơn 63% người dân Thụy Điển thường xuyên sử dụng xe đạp. Trung bình, cứ mỗi 0,7 km, ta lại bắt gặp một người đi xe đạp. Xe đạp đã trở thành vật dụng thiết yếu trong gia đình, được so sánh ngang hàng với tivi.
Còn tại Việt Nam, trước đây xe đạp cũng được coi là giải pháp cho vấn đề ô nhiễm không khí cũng như ùn tắc tại đô thị, nhưng trên thực tế, hạ tầng cho xe đạp tại nước ta vẫn chưa thể đáp ứng. Người đi xe đạp vẫn phải chịu nhiều rủi ro do không có phần đường riêng.
“Chuyển đổi phương tiện thay thế là cách tiết kiệm chi phí hiệu quả”
Tiến sĩ. Nguyễn Hoàng Nam, Trưởng khoa Tài chính – Ngân hàng, trường Đại học Đại Nam kiêm Giám đốc chiến lược Công ty Lendbiz cho biết, giá xăng liên tục “lập đỉnh” ảnh hưởng trực tiếp và đáng kể tới cá nhân, hộ gia đình vì chi phí giao thông chiếm tỷ trọng gần 10% trong cơ cấu “rổ” hàng tính CPI của giai đoạn 2020-2025; tới doanh nghiệp vì là yếu tố đầu vào gần như không thể thiếu.
Theo T.S Hoàng Nam, nhu cầu đi lại là một trong những nhu cầu thiết yếu của người dân, giá xăng liên tục lập đỉnh như hiện nay sẽ khiến hành vi cá nhân thay đổi, họ sẽ tìm các phương tiện thay thế theo đúng quy luật.
“Trong vài tuần vừa qua, người dân chuyển sang đi xe đạp điện, cơ và các phương tiện công cộng như xe bus, tàu điện có thể dễ dàng quan sát được. Việc chuyển đổi phương tiện thay thế là cách tiết kiệm chi phí hiệu quả vào thời điểm này”, T.S Hoàng Nam nói.
Với vai trò là một chuyên gia kinh tế, T.S Hoàng Nam nhận định, hiện nêm thuế của mặt hàng này đang khá dày. Gần đây cơ quan hữu quan đã giảm thuế bảo vệ môi trường nhưng tác động của nó chưa đủ mạnh để chống lại mức tăng của giá thế giới. Lưu ý thêm chúng ta là quốc gia xuất khẩu dầu thô nhưng vẫn là quốc gia nhập khẩu chủ yếu các chế phẩm xăng, dầu.
“Ở thời điểm khó khăn này cần coi xăng là mặt hàng thiết yếu, nếu quan điểm được như vậy thì xăng sẽ không bị điều chỉnh bởi thuế tiêu thụ đặc biệt và giá xăng nội địa sẽ cơ cơ hội giảm. Vẫn biết rằng không có chính sách kinh tế nào đem lại lợi ích cho tất cả các chủ thể trong nền kinh tế.
Việc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ làm giảm phần nào nguồn thu ngân sách nhưng bù lại là đem đến lợi ích cho cá nhân, hộ gia đình và đặc biệt là doanh nghiệp trong ngắn và trung hạn. Điều này càng trở nên đặc biệt quan trọng nếu xem xét trong bối cảnh gắn với mục tiêu kiểm soát lạm phát cho cả năm 2022.
Thời gian tới, nếu cơ quan hữu trách chưa cho phép giảm thuế tiêu thụ đặc biệt thì giá xăng vẫn sẽ tiếp tục tăng, cứ 10 ngày 1 lần vì chúng ta là quốc gia chấp nhận giá đối với mặt hàng này”, T.S Nam nhận định
Hướng đến văn minh khi dùng phương tiện công cộng
Qua khảo sát 10 người trên xe bus, có đến 7 trong số đó mua vé tháng. Thậm chí có nhiều người đã đi xe bus cả chục năm qua.
Người dân cho rằng, đi xe bus là văn minh, giảm thiểu tắc đường, ô nhiễm môi trường. Đặc biệt trong bối cảnh bão giá như hiện nay thì đi xe bus hay sử dụng phương tiện công cộng là “một mũi tên trúng 2 đích”.
Anh Tuấn Anh (33 tuổi, ở Long Biên, Hà Nội) cho biết, 4 năm nay, ngày nào anh cũng sử dụng phương tiện công cộng để đi từ Long Biên sang Mỹ Đình làm việc.
“Chưa cần xăng tăng, những ngày bình thường phương tiện công cộng đã rất hữu ích. Tôi thấy cần phải tăng chuyến vì hiện nay rất nhiều người sử dụng”, anh Tuấn Anh nói.
Từ ngày đường sắt Cát Linh – Hà Đông đi vào khai thác thương mại, anh Hàn Minh Tú luôn luôn sử dụng đây là phương tiện chính để đến công ty. Quãng đường từ nhà đến nơi làm việc cách khoảng 10km, không gần ga tàu nhưng anh vẫn cố gắng di chuyển.
“Tôi đi xe máy đến ga rồi gửi xe lên tàu hoặc có những hôm đi bộ khoảng 1-2km từ ga tàu vào nơi làm việc nhưng vẫn giữ được năng lượng tích cực. Chúng ta nên có thời gian đi bộ nhiều để vận động cơ thể và giảm được phương tiện cá nhân càng nhiều càng tốt”, anh Tú nói.
“Chưa kể đến việc tiết kiệm được rất nhiều chi phí ở thời điểm hiện tại, đi tàu điện rất sạch sẽ, văn minh nên tôi rất ủng hộ người dân đi phương tiện công cộng. Xu hướng này đã xuất hiện ở các nước phát triển khá lâu rồi. Bởi sử dụng điện giúp giảm bớt khí thải, không giống như khi đi xe máy hoặc ô tô…”, anh Tú nói thêm.
Cách đây 4 tháng, khi giá xăng vẫn bình ổn, truyền thông liên tục đưa tin về hình ảnh những khoang tàu điện vắng khách. Giờ đây, khi giá xăng “lập đỉnh” thì xuất hiện hình ảnh ngược lại. Trong tương lai, nếu giá xăng giảm, liệu người dân có quay về sử dụng phương tiện cá nhân hay sẽ trụ lại để giữ thói quen sử dụng phương tiện công cộng đi làm?
Theo kênh 14