Mức lương tối thiểu vùng chính thức tăng thêm 6% đáp ứng mong mỏi sau hơn hai năm chưa được điều chỉnh của người lao động. Tuy nhiên, trong bối cảnh giá cả, lạm phát tăng cao, các chuyên gia nhận định, người lao động sẽ tiếp tục quay cuồng trong “bão giá”…
Nghị định 38/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động chính thức có hiệu lực từ 1/7. Theo đó, mức lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7 tăng bình quân 6% (tương ứng tăng từ 180.000 đồng – 260.000 đồng) so với mức lương tối thiểu hiện hành.
Cụ thể, về mức lương tối thiểu tháng, vùng I tăng từ 4.420.000 đồng/tháng lên 4.680.000 đồng/tháng; vùng II tăng từ 3.920.000 đồng/tháng lên 4.160.000 đồng/tháng; vùng III tăng từ 3.430.000 đồng/tháng lên 3.640.000 đồng/tháng và vùng IV tăng từ 3.070.000 đồng/tháng lên 3.250.000 đồng/tháng.
Mặc dù mức lương tối thiểu tăng phần nào bù đắp được những khó khăn của người lao động, song nhiều ý kiến cho rằng, trong bối cảnh lạm phát, giá cả tăng cao như hiện nay, đời sống của người lao động sẽ tiếp tục khó khăn, cần thêm các chính sách hỗ trợ khác.
Trao đổi với VnEconomy về vấn đề này, ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng ban Chính sách – Pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cho rằng khi đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng, mong muốn của tổ chức công đoàn là kỳ vọng ở mức tăng cao hơn, tuy nhiên việc tăng lương không chỉ xem xét đến cải thiện đời sống cho người lao động mà còn dựa vào khả năng chi trả của doanh nghiệp sau đại dịch Covid-19, cả người lao động và người sử dụng lao động gặp rất nhiều khó khăn.
“Mức tăng 6% là mức phù hợp để đảm bảo hài hòa cho các bên. Tuy nhiên, thời điểm đề xuất dù chúng tôi đã đặt vấn đề giá cả tăng nhưng không nghĩ lại tăng cao như hiện nay khiến người lao động tiếp tục khó khăn. Vì vậy, bên cạnh việc các doanh nghiệp triển khai đầy đủ, đúng tinh thần Nghị định 38, chúng tôi mong muốn Chính phủ có các chính sách kiềm chế lạm phát giá cả, bởi lẽ khi giá cả tăng cao như hiện nay thì thu nhập thực tế của người lao động giảm sút.
Như vậy, sẽ không đạt mục tiêu của chính sách tăng lương, hơn nữa trước kia đề xuất mức 6% là chúng ta tính lạm phát dưới 4%, còn lạm phát như hiện nay là rất đáng lo ngại đối với người lao động”, ông Quảng lý giải.
Mặt khác, với người lao động, hiện nay là thời điểm họ phải quay lại thị trường lao động, do trong năm 2021 người lao động bị tác động của đại dịch Covid-19 nên thu nhập giảm sút, việc làm bấp bênh, nhiều chi phí do đại dịch cũng tăng cao.
Bước sang năm 2022, nhiều chính sách khôi phục, hỗ trợ thị trường lao động được ban hành. Song theo chuyên gia này, hầu hết các chính sách vẫn nằm ở chủ trương. Ngay như chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, dù được ban hành rất sớm từ cuối tháng 3, nhưng thậm chí đến nay số người nhận được tiền cũng chưa nhiều, việc tăng lương tối thiểu cũng chỉ mới bắt đầu áp dụng từ 1/7.
“Tất cả các chính sách đều nằm ở thì tương lai, thời gian vừa rồi chúng tôi đi gặp nhiều người lao động và họ rất băn khoăn, lo lắng, đặc biệt về giá cả, xăng dầu tăng kéo theo một loạt các yếu tố khác tăng cao”, ông Quảng nói.
Trước những thực tế này, vị chuyên gia tổ chức công đoàn cho rằng, bên cạnh các chính sách hỗ trợ, quan trọng nhất phải tăng thu nhập cho người lao động. Về phía công đoàn cần thương lượng, thỏa thuận với chủ sử dụng lao động để đảm bảo điều kiện lao động và mức thu nhập tốt hơn cho người lao động.
Về phía Nhà nước, cần tăng cường công tác giám sát, tham gia triển khai các chính sách hỗ trợ cho người lao động đảm bảo kịp thời, để chính sách thực sự phát huy được tác dụng.
Trước đó, để triển khai Nghị định số 38, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cùng với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã ban hành văn bản, trong đó thống nhất yêu cầu các đơn vị sử dụng lao động khi thực hiện điều chỉnh lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7 nhưng không được xoá bỏ hoặc cắt giảm các chế độ tiền lương khi người lao động làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật và các chế độ khác theo quy định của pháp luật lao động.
Đối với các nội dung đã thỏa thuận, cam kết trong hợp đồng lao động, thoả ước lao động hoặc các thỏa thuận hợp pháp khác có lợi hơn cho người lao động so với quy định tại Nghị định này thì tiếp tục được thực hiện, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Tổ chức công đoàn cơ sở và người sử dụng lao động cần đối thoại, thương lượng để thỏa thuận về tiền lương và xác lập các điều kiện lao động khác bảo đảm có lợi hơn cho người lao động so với quy định của pháp luật.