Vì sao cần cơ cấu nợ cho Doanh nghiệp

LendbizChia sẻ kiến thứcDoanh nghiệpVì sao cần cơ cấu nợ cho Doanh nghiệp

Cơ cấu nợ (Debt Restructure) là từ được nhắc đến nhiều trong thời gian gần đây trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, khi Đại dịch Covid bùng phát và làm ảnh hưởng đến nhiều doanh nghiệp (DN), không chỉ ở Việt nam mà trên toàn thế giới.

Vậy cơ cấu nợ là gì?

Cơ cấu nợ, theo Thông tư 39/2016/TT-NHNN của Ngân hàng nhà nước, có thể hiểu một cách đơn giản, là việc Tổ chức tín dụng/Người cho vay (TCTD) điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, và/hoặc gia hạn nợ cho người vay, trong đó:

  • Điều chỉnh kỳ hạn trả nợ là việc TCTD chấp thuận kéo dài thời gian việc trả nợ một phần hoặc toàn bộ gốc và hoặc tiền lãi vay của một/nhiều kỳ trả nợ, nhưng không làm thay đổi thời hạn cho vay theo Hợp đồng đã ký kết
  • Gia hạn nợ là việc TCTD chấp thuận việc kéo dài thêm một khoảng thời gian trả nợ, vượt quá thời hạn cho vay đã thoả thuận theo Hợp đồng đã ký kết.

Tại sao lại cần cơ cấu?

Điều mang tính sống còn đối với mỗi doanh nghiệp, không chỉ là doanh thu, lợi nhuận, mà còn là dòng tiền (cashflow) từ hoạt động kinh doanh. Dòng tiền luân chuyển bao gồm dòng tiền vào (thu từ việc bán hàng, công nợ thu được từ các bạn hàng, etc…), và dòng tiền ra (phải trả người bán, nợ phải trả, các khoản chi phí, etc…). Dòng tiền phản ánh sức khoẻ tài chính và tính thanh khoản của DN.

Khi Rủi ro xảy ra, doanh thu, lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ bị sụt giảm, và dòng tiền của doanh nghiệp cũng sẽ bị ảnh hưởng theo. Với đại dịch Covid-19, tác động này mang tính dây chuyền và trên phạm vi rộng. Tiêu dùng sụt giảm, nhiều lĩnh vực như Du lịch, Hàng không, Khách sạn, Xuất nhập khẩu bị đình trệ. Khi doanh nghiệp A không có doanh thu dẫn đến việc không có tiền để thanh toán cho B. B không có tiền để thanh toán cho C. Cứ như vậy tiếp nối tới các doanh nghiệp khác, hậu quả là dòng tiền của hầu hết các doanh nghiệp sẽ rơi vào tình trạng ngủ đông hoặc đóng băng (không có tiền vào và cũng không có tiền ra).

Chủ thể bị ảnh hưởng đầu tiên là các chủ nợ, người lao động của doanh nghiệp, sau đó đến các nhà cung cấp và cổ đông công ty. Nếu doanh nghiệp không trả được nợ, hoặc tiền làm ra chỉ đủ trả nợ, thì doanh nghiệp sẽ rơi vào tình trạng thiếu hụt nguồn vốn lưu động cho duy trì và mở rộng sản xuất kinh doanh, không có khả năng thanh toán tiền hàng cho các nhà cung cấp, hoặc nợ lương người lao động, dẫn tới phá sản hoặc gặp khó khăn để tồn tại trong trung và dài hạn.

Tưởng tượng một cách đơn giản, một doanh nghiệp cần cơ cấu giống như một người đang ốm. Thay vì ăn uống như bình thường, người này cần có chế độ ăn và sinh hoạt đặc biệt, giúp anh ta có thể vừa có sức khoẻ để chống lại bệnh tật, nhưng đồng thời không làm tăng áp lực lên các cơ quan (tiêu hoá, hô hấp, etc) đang ở trạng thái yếu ớt. Tương tự như vậy, khi doanh nghiệp gặp khó khăn, các khoản nợ cần được đánh giá lại, giảm (số tiền trả nợ) và giãn (thời gian trả nợ) để phù hợp với khả năng chi trả, giúp doanh nghiệp duy trì thanh khoản. Các doanh nghiệp trong thời Covid cũng giống như những “bệnh nhân”, tuỳ từng người mà sẽ cần phác đồ và cách thức điều trị phù hợp vậy.

Trải qua “cơn bệnh” này, doanh nghiệp sẽ dần hồi phục trở lại bình thường, thậm chí có cơ hội để bứt phá, có “kháng thể” để chống đỡ tốt hơn với những đợt tấn công trong tươi lai – nếu có. Nguồn vốn như dòng máu, và các TCTD/Bên cho vay sẽ đóng vai trò là trái tim bơm, đập giúp cơ thể tiếp tục sự sống. Do đó, điều quan trọng nhất lúc này chúng ta cần làm là giữ cho dòng máu đó chảy liên tục.

Câu hỏi quan trọng: Làm sao để biết doanh nghiệp nào cần cơ cấu và phương án cơ cấu nào là phù hợp nhất cho mỗi doanh nghiệp?

Ngân hàng nhà nước đã rất kịp thời ban hành Thông tư Số: 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 về việc cơ cấu thời hạn trả nợ cho các Doanh nghiệp. Theo Bộ Kế Hoạch & Đầu Tư dự kiến 34.900 doanh nghiệp phải đóng cửa, giải thể, phá sản.
Tuy nhiên, tác động của Đại dịch Covid-19 tới mỗi ngành nghề và mỗi doanh nghiệp là khác nhau. Nhiều DN đã phải ngừng sản xuất, nhiều nhà hàng đã phải đóng cửa. Nhưng người dân sẽ vẫn cần các sản phẩm dịch vụ thiết yếu như thực phẩm, các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu khác nên thực tế vẫn có nhiều doanh nghiệp đã thích nghi rất nhanh, rất tốt, thực hiện việc trả nợ đầy đủ cho Ngân hàng và các đối tác. Thậm chí có những ngành nghề đạt tăng trưởng vượt bậc so với trước như Công nghệ, Viễn thông, Vật tư y tế, dược phẩm, Thương mại điện tử và Dịch vụ giao hàng, etc…

Do đó, để cơ cấu chính xác, chúng ta cần quan tâm tới một số yếu tố sau:

  • Thay đổi về doanh thu: xác định mức độ tác động của Covid-19 đến hoạt động, doanh thu, và dòng tiền của doanh nghiệp.
  • Khả năng và kế hoạch điều chỉnh chiến lược, hoạt động kinh doanh để phù hợp với các thay đổi vĩ mô: xác định tính khả thi và doanh thu dự kiến mới của doanh nghiệp, chẳng hạn: Nhà hàng A kinh doanh tại 1 Trung tâm thương mại đã chuyển sang cung cấp các set lẩu tại gia sau khi phải tạm đóng của nhà hàng vì Covid-19; Công ty B đang cung cấp các sản phẩm quà lưu niệm cho khách nước ngoài chuyển sang bán các sản phẩm quà tặng qua kênh online cho thị trường nội địa, sau khi ngành Du lịch Lữ hành tạm thời ngủ đông, etc…
  • Đánh giá lại dòng tiền: đánh giá lại dòng tiền từ doanh thu mới, công nợ thu được và các nguồn thu bổ sung khác, nếu có của doanh nghiệp để xác định khả năng chi trả mới của doanh nghiệp.
  • Thiện chí trả nợ của Khách hàng: đây là yếu tố quan trọng không kém để quyết định việc cơ cấu nợ cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần có thái độ hợp tác, mong muốn và kế hoạch để vượt qua giai đoạn khó khăn. Có như vậy, việc cơ cấu nợ mới có thể hiệu quả.

Với mong muốn được hỗ trợ và đồng hành cùng quý khách trong thời gian dài lâu, chúng tôi rất mong thông qua bài viết này khách hàng sẽ hiểu thêm về sự hỗ trợ của Lendbiz đến các doanh nghiệp đang huy động vốn và cùng nhau vượt qua thời kỳ khó khăn này.

Trả lời