Liêm chính trong kinh doanh: Là gánh nặng hay giá trị cốt lõi của doanh nghiệp?

LendbizChia sẻ kiến thứcDoanh nghiệpLiêm chính trong kinh doanh: Là gánh nặng hay giá trị cốt lõi của doanh nghiệp?

Nhiều năm gần đây, liên tục có các doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) vừa đi vào hoạt động kinh doanh đã phá sản. Thậm chí có cả những startup xây dựng thành công mô hình kinh doanh, sản phẩm được nhiều người biết đến cũng đi vào đường cùng vì thua lỗ. Trong rất nhiều nguyên nhân, thì có yếu tố liêm chính trong kinh doanh.

Bà Caitlin Wiesen, đại diện thường trú UNDP dẫn chứng: từ năm 2012-2019 đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tăng lên hơn 20%. Điều quan trọng để vốn đầu tư rót vào doanh nghiệp khởi nghiệp, theo bà Wiesen, đó là niềm tin. Để có được niềm tin cần đảm bảo những công ty họ đầu tư vào có đội ngũ lãnh đạo trung thực, giá trị doanh nghiệp được đảm bảo bằng tuân thủ pháp lý.

“Chúng ta phải nâng cao ý thức của mọi người, đặc biệt ngay từ các doanh nghiệp khởi nghiệp về kinh doanh liêm chính. Đây là hoạt động tạo ra giá trị lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam, mang lại giá trị kinh doanh hàng triệu USD”, bà Caitlin Wiesen nói.

LIÊM CHÍNH LÀ THƯƠNG HIỆU

Chia sẻ câu chuyện thực tế, ông Nguyễn Đức Hải, Giám đốc Công ty Du lịch và dịch vụ thể thao dưới nước cho biết, khách hàng của công ty là những tập đoàn, doanh nghiệp lớn ở Việt Nam và họ có bộ công cụ về liêm chính rất mạnh. Đó là những điều khoản chống tham nhũng, chống gian lận trong hợp đồng. Và khi công ty trở thành đối tác thì bắt buộc phải tuân thủ. Mới nghe qua tưởng rất dễ thực hiện vì chỉ cần và thực hiện theo hợp đồng là thành công, nhưng trên thực tế công ty đã gặp phải những vấn đề rất khó xử lý.

Ông Hải kể lại, vào giữa năm 2020, thời điểm dịch Covid-19 bùng phát mạnh nhất, công ty nhận được một hợp đồng cung cấp thiết bị cho khu du lịch Hòn Tằm (Nha Trang). Tại thời điểm dịch Covid-19 mà có được hợp đồng lớn như vậy là vô cùng quý giá, tuy nhiên khi hoàn tất hợp đồng, khách hàng đã đặt cọc tiền thì công ty lại gặp phải sự cố với nhà cung cấp, đó là họ đột ngột tăng giá khiến công ty rất khó xử lý.

Ông Hải cùng các bộ phận trong công ty cùng ngồi họp bàn và mọi người thống nhất đưa ra thông báo cho khách hàng là bị tăng giá và xin hủy hợp đồng. Song riêng ông Hải nhất quyết yêu cầu phải thực hiện hợp đồng đã ký và giữ nguyên giá, nhưng sẽ chấp nhận đi kèm với rủi ro là bị thua lỗ. Ban đầu, các thành viên công ty phản đối quyết liệt, nhưng ông Hải vẫn cương quyết thực hiện như cam kết.

Sau khi hoàn thành hợp đồng, khách hàng đã cảm ơn công ty. Tháng 10 vừa qua công ty nhận tiếp hợp đồng thứ hai với khách hàng này. “Đây chỉ là câu chuyện nhỏ nhưng có sự đấu tranh rất lớn, tính quyết định cao. Liêm chính là thương hiệu và phải giữ thật tốt để tồn tại và phát triển hơn trong tương lai”, ông Hải đưa thông điệp.

“Qua câu chuyện này cho thấy, việc tuân thủ hợp đồng với khách hàng là điều bắt buộc. Tuy nhiên, việc tuân thủ các quy định do người khác đặt ra còn dễ dàng hơn rất nhiều so với những điều bản thân tự đặt ra. Chính việc “giữ lời” và ngay lập tức nhận được bản hợp đồng thứ hai chính là “quả ngọt” của thực hiện liêm chính kinh doanh”, ông Hải khẳng định.

Bà Nguyễn Thị Hồng Quyên, Giám đốc Công ty TNHH Cô Ba Chuyên (Đồng Nai) kể câu chuyện về sự nhập nhèm giữa sản phẩm đã được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý với sản phẩm không có chỉ dẫn địa lý để bán với giá cao. Do đó bà Quyên nhìn nhận, liêm chính không chỉ là giữ uy tín cho bản thân doanh nghiệp mà còn với cả cộng đồng, vì doanh nghiệp là người đại diện. “Khi đã đại diện cho cả cộng đồng thì việc gìn giữ liêm chính càng phải trở lên mạnh mẽ hơn”, bà Quyên bày tỏ.

Ông Mai Thanh Nghị, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh Đồng Tháp có một đúc kết thú vị, đó là khi nói đến liêm chính thì chỉ cần làm những việc đúng, không cần ai giám sát, bắt buộc… liêm chính đến với mỗi người như một sự tự nhiên và gần gũi.

Ông Nghị nêu ra câu chuyện trong những năm gần đây, chính quyền Đồng Tháp đã có chủ trương xây dựng chính quyền thân thiện, chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp. Mỗi buổi sáng chính quyền dành thời gian ngồi uống cafe với doanh nghiệp để nghe doanh nghiệp chia sẻ những vướng mắc của mình và cùng mổ xẻ vấn đề với nhau một cách thân thiện. Và khi đã có sự gắn kết thì sẽ không còn khoảng cách, sự kết nối giữa chính quyền và doanh nghiệp được dẫn dắt bằng sự thấu hiểu lẫn nhau. Sự gắn kết giữa người với người, giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp và doanh nghiệp với chính quyền rất minh bạch, không còn sự khuất tất.

LIÊM CHÍNH PHẢI LÀ “GEN” CỦA DOANH NGHIỆP

“Đừng nghĩ liêm chính và minh bạch kinh doanh là một gánh nặng với doanh nghiệp. Doanh nghiệp startup nếu liêm chính đầy đủ, có sổ sách minh bạch, đảm bảo bảng kiểm về liêm chính sẽ thu hút được nhà đầu tư… Tuy vậy, liêm chính trong khởi nghiệp cần có sự khởi đầu đúng hướng”, bà Caitlin Wiesen bày tỏ quan điểm sau khi nghe những giãi bày của các doanh nghiệp. Theo chuyên gia đến từ UNDP, muốn thành công về dài hạn hãy đưa liêm chính vào trong kinh doanh, coi đây là giá trị cốt lõi, trở thành gen (DNA) của công ty. Ở Việt Nam hiện đã có Bộ luật Chống tham nhũng vào năm 2018. Lần đầu tiên Bộ luật Chống tham nhũng ở Việt Nam được đưa vào lĩnh vực tư nhân. Các công ty nên đưa liêm chính vào các báo cáo nội bộ để tuân thủ. “Trong tương lai doanh nghiệp phải có quy tắc ứng xử để kiểm soát hoạt động của tổ chức cũng như kiểm soát nội bộ”, bà Caitlin Wiesen nhấn mạnh.

Song để đưa được liêm chính vào doanh nghiệp, ông Đàm Quang Thắng, chuyên gia khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, Chủ tịch Hội đồng cố vấn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia cho rằng, chủ thể của liêm chính là doanh nghiệp và tư duy của người lãnh đạo rất quan trọng. Ông Thắng nhấn mạnh đến 4 lợi ích mà doanh nghiệp có được khi liêm chính được thực hiện. Đó là mức độ tin tưởng của khách hàng với sản phẩm, các đối tác của doanh nghiệp, hành xử của khách hàng với doanh nghiệp và cơ hội đến với doanh nghiệp.

Thông về tư tưởng rồi nhưng để triển khai liêm chính, câu hỏi đặt ra là liệu doanh nghiệp có dám bỏ cái đang có để đổi lấy cái mới? Các tập đoàn lớn đã có bộ quy tắc ứng xử nội bộ liệu có thực hiện đầy đủ bộ quy tắc đó không? Với các doanh nghiệp nhỏ và vừa từ khi xây dựng các quy tắc ứng xử nội bộ đến khi triển khai gặp vấn đề gì, liệu có chấp nhận rủi ro không (nếu không có văn hoá phong bì)? Đặc biệt các doanh nghiệp khởi nghiệp có chấp nhận tham gia vào kinh doanh liêm chính hay không?

Trong khi đó, theo ông Thắng, với doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhỏ và vừa điều đầu tiên và cơ bản trong kinh doanh của họ là có lợi nhuận, tối ưu lợi nhuận. Còn với các doanh nghiệp khởi nghiệp đặc biệt khởi nghiệp đổi mới sáng tạo bên cạnh lợi nhuận họ còn rất nhiều cái khác mang tính giải pháp cho cộng đồng, xã hội. Làm sao để mang lại sự hài lòng và đáp ứng nhu cầu cho khách hàng nhất là điều mà các doanh nghiệp khởi nghiệp đang hướng tới. “Như vậy họ có sẵn sàng đón nhận liêm chính để triển khai vào các hoạt động kinh doanh không. Và triển khai như thế nào mới là vấn đề khó. Chúng tôi vẫn loay hoay vấn đề đối xử và hành xử với liêm chính thế nào?”, ông Thắng chia sẻ.

Mặc dù vậy đến thời điểm này, điều đáng mừng theo ông Thắng, khi mở các lớp tư vấn, đào tạo về liêm chính, số lượng đăng ký tham gia rất đông, doanh nghiệp khởi nghiệp đón nhận rất tốt, các bạn trẻ phản hồi rất tích cực về tâm thế đón nhận liêm chính và hành xử với liêm chính.

“Chúng tôi truyền tải liêm chính với doanh nghiệp khởi nghiệp qua các trường hợp cụ thể để họ dễ hình dung nhất, họ nhận ra mình đang gặp tình huống như vậy hơn là dùng lý thuyết để tập huấn cho doanh nghiệp… Bên cạnh đó, những người truyền tải thông điệp về liêm chính đều nằm trong Hội đồng cố vấn, có kinh nghiệm kinh doanh cũng như có quan hệ nhiều. Và chúng tôi có bộ công cụ để làm thước đo mức độ thực hiện liêm chính trong doanh nghiệp. Tuy nhiên những phương pháp này cần điều chỉnh nhiều hơn để sát mục tiêu hơn và tính lan tỏa rộng hơn nữa”, ông Thắng cho biết.

Trả lời