Chia sẻ của GĐ Chiến lược Nguyễn Hoàng Nam trên CafeF: Những hiệu ứng tâm lý này sẽ tác động mạnh đến nhà đầu tư, muốn ra quyết định chính xác nhất định phải biết

LendbizChia sẻ kiến thứcChia sẻ của GĐ Chiến lược Nguyễn Hoàng Nam trên CafeF: Những hiệu ứng tâm lý này sẽ tác động mạnh đến nhà đầu tư, muốn ra quyết định chính xác nhất định phải biết
Cùng với sự phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam, các nhà đầu tư đã dần trở nên chuyên nghiệp hơn, biết phân tích thông tin một cách hợp lý hơn khi đưa ra quyết định. Tuy vậy, vẫn còn rất nhiều nhà đầu tư cá nhân, đặc biệt là nhà đầu tư mới, thường ra quyết định đầu tư phi lý trí, dựa vào cảm xúc, dẫn đến thua lỗ nặng, từ đó vô tình dẫn đến hiện tượng bóp méo thị trường.

Kinh tế học hành vi nghiên cứu nền tảng tâm lý của việc đưa ra quyết định kinh tế. Mặc dù kinh tế học truyền thống đã giả định rằng chúng ta đều là những người duy lý, có nghĩa là có thể tối đa hóa lợi ích một cách hợp lý, nhưng kết quả thực nghiệm lại chứng minh rằng chúng ta không hoàn toàn duy lý, mà thường ra quyết định dựa trên khả năng giải quyết vấn đề theo kinh nghiệm, bối cảnh, cảm xúc và nhận thức…của bản thân

Với mục tiêu vận dụng hiệu quả hơn các hiệu ứng lý thuyết kinh điển vào thị trường chứng khoán, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Nam (Trưởng khoa TC-NH, Trường Đại học Đại Nam kiêm Giám đốc chiến lược Công ty cổ phần Lendbiz) sẽ chia sẻ về những hiệu ứng tâm lý có ảnh hưởng mạnh mẽ đến hành vi của nhà đầu tư cá nhân, từ đó rút ra các bài học kinh nghiệm nhằm giúp nhà đầu tư có quyết định đúng đắn hơn trong chiến lược đầu tư của mình.

Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Nam (Trưởng khoa TC-NH, Trường Đại học Đại Nam kiêm Giám đốc chiến lược Công ty cổ phần Lendbiz)
Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Nam (Trưởng khoa TC-NH, Trường Đại học Đại Nam kiêm Giám đốc chiến lược Công ty cổ phần Lendbiz)

Hiệu ứng sở hữu (Endowment Effect)

Hiệu ứng sở hữu là hiện tượng một người thường định giá tài sản mà họ sở hữu cao hơn so với thị giá. Nói cách khác, người ta thường từ chối bán đi những gì họ đã sở hữu với giá thấp hơn so với mức giá họ sẵn lòng bỏ ra mua lúc đầu. Kết quả, giá bán món hàng thường cao hơn giá mua.

Một phần lời giải cho khuynh hướng trên được gọi là “tâm lý sợ mất mát”, nghĩa là người ta thường có xu hướng đánh giá cao tổn thất hơn là lợi ích. Họ cảm thấy xót vì mất tiền hơn là làm ra tiền.

Họ kỳ vọng rằng tài sản mà họ đang nắm giữ sẽ phải bán được giá cao hơn, mặc dù thực chất tài sản trong tay họ có thể đã và sẽ không còn nhiều giá trị. Không chỉ các nhà đầu tư có tài khoản đang sụt giảm trên thị trường “cố chấp” với quyết định gồng lỗ của mình, nhiều nhà đầu tư cũng chịu ảnh hưởng của hiệu ứng này khi gồng lãi.

Anh Sơn, một nhà đầu tư lướt sóng, buồn bã chia sẻ: “Cách đây vài tháng, sau khi tôi mua mã cổ phiếu KBC được 15 ngày, cổ phiếu tăng từ 53 nghìn đồng/cổ phiếu lên đến gần 58 nghìn đồng/cổ phiếu. Tính sơ bộ tôi đã kiếm được lợi nhuận ở mức khoảng 19%/tháng, cao hơn kỳ vọng của tôi. Tuy nhiên, do hy vọng giá của cổ phiếu sẽ tiếp tục tăng, tôi không bán. Và cuối cùng, giá của cổ phiếu đó rớt theo đà giảm của thị trường cho đến tận ngày hôm nay, chỉ còn 43 nghìn đồng/cổ phiếu.”

Hiệu ứng sở hữu cũng xuất hiện trong vấn đề bồi thường đất. Khi Chính phủ xây dựng cơ sở hạ tầng sẽ phải đền bù giải phóng mặt bằng nhằm có quỹ đất sạch. Vậy giá đền bù bao nhiêu? Giá thị trường là bao nhiêu? Theo hiệu ứng sở hữu, người dân sẽ đòi giá cao hơn mức họ sẵn lòng trả cho cùng mảnh đất đó. Khả năng là chính cái giá thị trường đó, vì có hiệu ứng sở hữu, sẽ làm cho việc đền bù đất trở nên rất tốn kém và tốn thời gian. Kết quả, nhiều dự án đầu tư công vào hạ tầng kỹ thuật kéo dài nhiều năm dẫn đến suất sinh lợi trên đầu tư công sẽ thấp. Vì thế cả xã hội sẽ thiệt thòi vì một số cá nhân đặt giá trị quá cao lên tài sản mà họ đang sở hữu.

Hiệu ứng mỏ neo (Anchoring Effect)

Hiệu ứng mỏ neo là một dạng nhận thức sai lệch, khi các nhà giao dịch bị ảnh hưởng bởi thông tin tham chiếu ban đầu khi đưa ra đánh giá. Hiểu đơn giản, họ sẽ tập trung vào thông tin đầu tiên để đưa ra quyết định đầu tư. Chính vì bản chất này mà hiệu ứng này được ví như chiếc mỏ neo – đi đầu và nặng trĩu.

Bên cạnh đó, hình ảnh mỏ neo cũng khiến mọi người dễ dàng hình dung đến hiện tượng tâm lý giao dịch. Những điều khiến cho nhà đầu tư có ấn tượng tốt ở thời điểm ban đầu thì sẽ tác động đến quá trình nhận thức lâu dài về sau. Hiệu ứng mỏ neo thường xuất hiện rất thường xuyên bởi nhà giao dịch có xu hướng cố định suy nghĩ của họ vào một dữ liệu tham chiếu nhất định hoặc thông tin ban đầu. Chính vì thế nhà đầu tư có thể chỉ quyết định dựa vào sự hấp dẫn của thông tin chứ không phải từ phân tích chuyên sâu.

Trả lời