5 CÁCH DẠY TRẺ TIẾT KIỆM TIỀN BẠC

LendbizChưa phân loại5 CÁCH DẠY TRẺ TIẾT KIỆM TIỀN BẠC

Dạy trẻ tiết kiệm tiền luôn là một thử thách khó khăn đối với các ông bà, bà mẹ. Thực tế cha mẹ tại Việt Nam thường có cảm giác e ngại khi nói với con cái chuyện tiền bạc. Nhiều người thường nghĩ rằng “Con còn nhỏ, không nên tiếp xúc với tiền nhiều, lớn lên tự khắc sẽ biết”, đây là một suy nghĩ rất sai lầm trong việc giáo dục trẻ nhỏ.

Cuộc sống hiện đại với hàng loạt các đồng tiền ảo, những ứng dụng thanh toán mới mẻ ra mắt như hiện nay thì kỹ năng chi tiêu và tiết kiệm càng trở nên vô cùng quan trọng. Đây không những là kiến thức hành trang đầu đời của con mà còn giúp con hình thành những thói quen và nhân cách tốt sau này.

Trong bài viết này, Lendbiz sẽ giúp các bậc cha mẹ những cách dạy trẻ tiết kiệm đơn giản và thông minh nhất!

  1. Đút ống heo

Hình ảnh tiết kiệm của trẻ nhỏ từ xưa đến nay đã gắn liền với những chú heo đất. Các em nhỏ còn có một bài hát “Con heo đất” rất dễ nghe và dễ thuộc để nhắc nhở về việc tiết kiệm. Việc “chăm sóc” những chú heo đất sao cho “mau lớn” cũng giúp các bé hứng thú và chăm chỉ hơn với việc tiết kiệm tiền. Những khoản tiết kiệm của trẻ cũng thường rất nhỏ vì vậy cũng phù hợp với cách tiết kiệm này. Vậy tại sao các bạn còn chưa mua cho con mình một chú heo đất để bé có thể đút tiền tiết kiệm ngay hôm nay?

  1. Dạy trẻ “tiết kiệm để có thể làm những điều mình muốn”

Trẻ nhỏ luôn bị cám dỗ bởi đồ chơi, quà ăn vặt,… Chúng cũng dễ dàng khóc lóc hay giận dỗi để được bố mẹ đáp ứng nhu cầu của mình. Nhưng nếu cha mẹ đáp ứng quá dễ dàng và luôn đáp ứng mỗi khi trẻ vòi vĩnh sẽ khiến trẻ không biết quý trọng đồng tiền và không có ý thức tiết kiệm. Lúc này cha mẹ hãy dạy trẻ cách tiết kiệm để tiêu xài cho mong muốn mua sắm của mình.

Bạn có thể cho con phụ giúp lau dọn nhà cửa và trả công hoặc dạy con thu gom và bán phế liệu để có thể kiếm tiền. Sau khi kiếm được tiền và tiết kiệm được, con sẽ có đủ số tiền để làm những việc mình muốn. Những nhu cầu của trẻ nhỏ thường mang tính cảm xúc nhất thời, sau quá trình kiếm tiền và tiết kiệm tiền vất vả sẽ dạy cho trẻ giá trị của đồng tiền tương ứng với công sức mà mình bỏ ra, trẻ cũng sẽ giảm cảm giác muốn mua sắm những món đồ trước đó nếu nó không thực sự có giá trị.

  1. Khen thưởng khi con biết tự tiết kiệm.

Ai làm tốt cũng đáng được khen thưởng đúng không nào? Trẻ em lại càng cần điều đó hơn bất kỳ ai. Việc khen thưởng sẽ giúp trẻ cảm thấy vui sướng và tự hào với những việc gì mình đã làm được, tạo động lực cho trẻ cố gắng hơn nữa. Chẳng hạn như bạn hứa với con: ”Nếu con tiết kiệm được 100.000đ trong tháng này, mẹ sẽ cho con thêm 30.000đ để con đút thêm vào heo đất”. Chắc chắn ý thức và sự nỗ lực tiết kiệm của con sẽ được tăng lên, và khi hoàn thành mục tiêu nhỏ này, con sẽ trưởng thành, sẽ có ý thức hơn rất nhiều.

  1. Dạy trẻ về các chi phí ngoài mong muốn

Thật khó để có thể ngăn trẻ không được tiêu số tiền mà chúng được tặng như tiền sinh nhật, tiền mừng tuổi… Hãy giúp trẻ hiểu và tự ý thức thực hiện thay vì bắt ép chúng. Và trẻ cần phải biết rằng tiết kiệm là phương thức để đảm bảo thực hiện được các nhu cầu hoặc chi trả cho những tình huống bất ngờ phát sinh trong tương lai. Giúp trẻ biết đến những rủi ro không mong muốn có thể xảy ra như bệnh tật, tai nạn,… sẽ giúp các con hiểu được lợi ích của việc chuẩn bị tài chính cho những tình huống này.

  1. Chuẩn bị thêm cho con những kiến thức về tài chính

Tiết kiệm được tiền rồi con sẽ phải làm gì nữa? Hãy trang bị cho con những kiến thức tài chính để con có thể đưa ra định hướng cho mình. Tiết kiệm là bước quan trọng đầu tiên con có thể làm được cho mình, nhưng làm thế nào để tiền “đẻ” ra tiền mới là quan trọng. Hãy cho con những thêm những kiến thức cơ bản về tài chính như cho vay, gửi tiết kiệm có lãi suất, lãi suất kép, đầu tư… Sự hiểu biết này sẽ giúp con nhận thức sớm hơn về các cơ chế duy trì và phát triển đồng tiền. Việc tiết kiệm là khởi điểm để con có thể độc lập tài chính và thực hiện tự giác hơn.

Đừng quên điều quan trọng nhất trong việc dạy trẻ tiết kiệm là tạo được hứng thú cho trẻ và giúp trẻ tự giác thực hiện. Những cách dạy trẻ này rất đơn giản để thực hiện và có thể áp dụng ngay với các bé chỉ mới 2 tuổi. Hãy giúp con bạn có những thói quen tài chính tốt ngay hôm nay bắt đầu bằng việc tiết kiệm tiền!

 

Trả lời