Nhìn lại cơn sốt đầu cơ “càn quét” thị trường toàn cầu năm 2020
Tâm lý bầy đàn đang ngự trị, không chỉ ở Phố Wall mà còn trên thị trường tài chính toàn cầu. Những con số tổng kết về năm 2020 cho thấy thị trường đầu cơ giá lên (bull market) của thế giới năm nay “điên rồ” hơn bao giờ hết.
Theo hãng tin Bloomberg, thị trường tài chính toàn cầu hiện đã đạt trị giá hơn 100 nghìn tỷ USD. Các công ty Mỹ huy động được lượng vốn kỷ lục 175 tỷ USD trong các vụ phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) trong năm nay. Khoảng 3 nghìn tỷ USD trái phiếu doanh nghiệp đang được giao dịch với lợi suất âm.
Tất cả những điều này diễn ra khi đại dịch Covid-19 leo thang, các nền kinh tế phải dựa vào những nỗ lực kích cầu, và vô số doanh nghiệp điêu đứng vì các biện pháp hạn chế để chống dịch. Được hậu thuẫn bởi những kế hoạch bơm tiền khổng lồ vào thị trường và sự đặt cược vào sự phục hồi tăng trưởng hậu Covid-19, từ các nhà đầu tư cá nhân còn non tay cho tới những nhà đầu tư tổ chức giàu kinh nghiệm đều đang tận hưởng điều kiện tài chính dễ dàng nhất trong lịch sử.
“Những chỉ báo về tâm lý đang cho thấy sự hưng phấn”, Giám đốc đầu tư Cedric Ozazma thuộc Reyl & Cie nhận định. “Mọi người đang nhảy vào thị trường vì lo sẽ bỏ lỡ mất đợt tăng điểm trước lễ Giáng sinh”.
Bloomberg đã điểm lại những con số về cơn sốt đầu cơ toàn cầu trong năm 2020 – năm của bệnh dịch, chết chóc, và thiệt hại tăng trưởng kinh tế:
IPO BÙNG NỔ
Không gì có thể khiến giá cổ phiếu tăng mạnh bằng một vụ chào sàn. Các cuộc phát hành của loạt công ty từ Snowflake cho tới Airbnb đã đưa tổng giá trị IPO tại Mỹ trong năm nay lên con số kỷ lục 175 tỷ USD. Những công cụ mua lại đặc biệt (SPAC) – là những công ty không có hoạt động thương mại nhưng IPO để huy động vốn cho việc mua lại những công ty đang tồn tại – hút hơn 60 tỷ USD trong năm nay, nhiều hơn cả thập niên trước cộng lại.
Lượng phát hành như vậy dường như vẫn chưa đủ thỏa mãn cơn khát của nhà đầu tư. Tính bình quân, các vụ IPO ở Mỹ mang về mức lợi nhuận 40% trong ngày giao dịch đầu tiên, mức cao nhất trong lịch sử nếu không tính đến đỉnh cao thiết lập vào các năm 1999 và 2000.
Làn sóng IPO tại Mỹ đã thu hút sự quan tâm chưa từng có tiền lệ dành cho một quỹ giao dịch hoán đổi (ETF) Renaissance IPO chuyên đầu tư vào những cổ phiếu mới được niêm yết. Năm nay, giá trị của quỹ này tăng 100%. Ngay cả những SPAC chưa công bố mục tiêu mua lại cũng tăng 20% – theo Bespoke Investment Group.
“Nếu đây không phải là dấu hiệu của hưng phấn, thì chúng tôi không biết gọi là gì”, các nhà phân tích của Bespoke nhận xét.
THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN TĂNG ĐIỂM MẠNH
Nhà đầu tư F0 ở Mỹ – những người thường giao dịch trên một nền tảng có tên Robinhood – đã trở thành một đề tài bàn tán ở Phố Wall năm nay, bởi họ đầu cơ tất cả mọi thứ, từ quyền chọn cổ phiếu công nghệ cho tới cổ phiếu hàng không. Khi nhà đầu tư cá nhân cùng nhà đầu tư tổ chức rượt theo sự tăng điểm của thị trường, hệ số giá cổ phiếu/doanh thu (sales multiple) của chỉ số S&P 500 đã đạt mức cao hơn khoảng 16% so với mức đỉnh cũ thiết lập vào năm 2000.
Tất cả mọi thứ đều tăng. Một rổ cổ phiếu mà ngân hàng Goldman Sachs thiết lập gồm những cổ phiếu bị bán khống nhiều nhất trong chỉ số Russell 2000 đã tăng khoảng 40% trong quý 4 – một mức tăng lớn gấp 3 lần mức tăng của toàn chỉ số. Trong tương quan so sánh với cổ phiếu có mức độ biến động thấp, những cổ phiếu có mức độ biến động cao đang có mức tăng mạnh nhất kể từ năm 2011.
Theo SentimenTrader, từ trước tới nay, bất khi khi nào Russel 2000 tăng hơn 95% kể từ đáy, chỉ số này sẽ gây thua lỗ trong 3 tháng tiếp theo. Tuy nhiên, chỉ số này hiện đã tăng gần 100% kể từ mức đáy thiết lập vào tháng 3, và vẫn chưa có dấu hiệu giảm.
“CƠN ĐIÊN” QUYỀN CHỌN CỔ PHIẾU
Với tâm lý lạc quan, các nhà đầu tư cá nhân năm nay nhảy mạnh hơn bao giờ hết vào thế giới phức tạp của những sản phẩm phái sinh. Trong 20 ngày giao dịch gần nhất ở Phố Wall, có bình quân kỷ lục khoảng 22 triệu hợp đồng quyền chọn mua được chuyển nhượng mỗi ngày.
Tỷ trọng của khối lượng giao dịch quyền chọn bán cổ phiếu và quyền chọn mua đã giảm xuống mức thấp nhất gần 1 thập niên. Đây là một dấu hiệu cho thấy nhà đầu tư hiếm khi nào mạnh dạn theo đuổi sự tăng điểm của thị trường đến vậy.
CƠN SỐT SÁP NHẬP DOANH NGHIỆP
Tâm lý bầy đàn ngay tại phòng họp lãnh đạo của các doanh nghiệp là một dấu hiệu rõ ràng nữa của cơn sốt đầu cơ. Quý 4 này có khả năng sẽ trở thành quý mạnh nhất về hoạt động sáp nhập doanh nghiệp kể từ năm 2016, sau khi một mức đỉnh đã được thiết lập trong quý 3. Hãng dữ liệu tài chính S&P Global mua lại đối thủ IHS Markit, hay hãng sản xuất con chip Advanced Micro Devices (AMD) thâu tóm đối thủ Xilinx là một vài trong những thương vụ cần kể đến.
Với số dư tiền mặt của các công ty tăng mạnh trong những năm gần đây, và tỷ trọng giữa tổng giá trị các thương vụ so với tổng giá trị toàn thị trường còn ở dưới mức trung bình dài hạn, rất có thể sự sôi động về sáp nhập doanh nghiệp hiện nay mới chỉ là một sự khởi đầu.
CHÂU ÂU CŨNG LÊN CƠN SỐT IPO
Ngay cả thị trường IPO của châu Âu – với quy mô nhỏ hơn nhiều so với thị trường IPO ở Mỹ và hiếm có những vụ giá cổ phiếu tăng bùng nổ trong ngày đầu tiên giao dịch – cũng đang lên cơn sốt.
Trong số 44 công ty bắt đầu niêm yết trên các sàn giao dịch ở châu Âu kể từ ngày 9/11 – thời điểm mà thông tin về vaccine ngừa Covid-19 mở màn cho một đợt tăng giá cổ phiếu – mức tăng bình quân đạt được là 16% trong ngày giao dịch đầu tiên. Khoảng 70% công ty trong số này đang có giá cổ phiếu cao hơn giá IPO.
CƠN SỐT TRÁI PHIẾU
Trong một thế giới với 18 nghìn tỷ USD trái phiếu mang lợi suất âm, giới đầu tư ồ ạt mua vào những trái phiếu doanh nghiệp có độ rủi ro cao. Tại Mỹ, lợi suất của những trái phiếu có điểm tín nhiệm thấp (junk bond) đã giảm xuống mức thấp hơn nhiều so với mức lãi suất mà các nhà phát hành có điểm tín nhiệm cao phải trả để huy động vốn trái phiếu trong năm nay.
Ngay cả Carnival Group, công ty vận hành du thuyền khốn đốn vì Covid-19, cũng chứng kiến lợi suất trái phiếu của mình giảm chênh lệch so với các trái phiếu có điểm tín nhiệm cao trong năm nay. Lượng trái phiếu doanh nghiệp có lợi suất âm trên toàn cầu hiện là hơn 3 nghìn tỷ USD, theo Bloomberg.
CÁC THỊ TRƯỜNG MỚI NỔI BÙNG NỔ
Năm nay là một năm bùng nổ thị trường trái phiếu của các nền kinh tế mới nổi, với hơn 730 tỷ USD trái phiếu bằng USD và Euro được các nền kinh tế này phát hành – một con số lớn chưa từng thấy.
Dù chìm trong bất ổn chính trị, Peru trở thành quốc gia bán được trái phiếu kỳ hạn 100 năm với lợi suất thấp nhất của một nước kinh tế đang phát triển. Lợi suất trái phiếu Euro mà Bờ Biển Ngà phát hành năm nay thấp hơn năm ngoái, dù nước này phải tham gia một sáng kiến giảm nợ của khối G-20 và đang trong một chương trình tái cấu trúc của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
BITCOIN TRỞ LẠI
Đối với những người ủng hộ tiền ảo, mức tăng hơn 200% của Bitcoin trong năm nay là một dấu hiệu cho thấy đã đến thời của các tài sản số. Đối với nhiều người ở Phố Wall, đây chỉ là một dấu hiệu khác của cơn sốt đầu cơ.
“Chúng tôi xem Bitcoin và những tiền ảo khác như ‘những bông hoa tulip kỹ thuật số’ (một sự so sánh với bong bóng đầu cơ hoa tulip hồi thế kỷ 17). Chúng tôi không có cách nào để định giá chúng”, một báo cáo của Yardeni viết. “Chúng tôi xem diễn biến giá Bitcoin là một thước đo của sự đầu cơ thái quá”.
Mức độ biến động “khét tiếng” của giá tiền ảo là điều rủi ro đối với nhiều người, nhưng một số định chế lớn như JPMorgan Chase và Nomura cho biết có sự quan tâm lớn đối với loại tài sản này, từ các văn phòng quản lý tài sản cho nhà giàu (family office) cho tới các quỹ định lượng.
Tiền ảo đang hưởng lợi từ làn sóng đầu cơ các tài sản dài hạn, từ năng lượng mặt trời cho tới cổ phiếu Tesla, bởi nhiều nhà đầu tư muốn đặt cược vào những công nghệ của tương lai.
AN HUY