Ngày 15/12/2023, Tạp chí Điện tử Reatimes (Chuyên trang của Cơ quan Hiệp hội Bất động sản Việt Nam” đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Hoàng Nam, Trưởng Bộ môn Kinh tế học – Đại học PHENIKAA, Giám đốc chiến lược Công ty cổ phần Lendbiz, về câu chuyện liên quan đến thu nhập và tài khóa trong năm 2023 và 2024.
Khi nền kinh tế không hấp thụ được vốn: Cụ thể hóa “chính sách không bình thường” như thế nào?
“Lúc bình thường thì có chính sách bình thường, lúc không bình thường phải có chính sách không bình thường”. Vậy vai trò “nhạc trưởng” của Chính phủ cần được thể hiện như thế nào trong bối cảnh khó khăn?
“Chính sách phải hết sức linh hoạt, chúng ta không hạ chuẩn các điều kiện cho vay, nhưng chúng ta có linh hoạt được không. Có doanh nghiệp gặp khó khăn, nhưng dự án họ khả thi thì có cho vay được không?”, Thủ tướng Phạm Minh Chính đặt ra vấn đề này tại Hội nghị gỡ khó cho tăng trưởng tín dụng mới đây.
Vấn đề Thủ tướng nêu ra là một trong những nút thắt chính đang cản trở quá trình hồi phục của doanh nghiệp Việt. Một vấn đề khác cần quan tâm hơn nữa là nhiều doanh nghiệp, dù có vay được vốn, thì khả năng hấp thụ và chuyển hóa dòng vốn đó thành lợi nhuận cũng rất thấp. Khi nền kinh tế không hấp thụ được vốn, tín dụng khó chuyển hóa thành tăng trưởng, rủi ro tín dụng hiện hữu.
Giải pháp hàng đầu được cho là phải nâng cao năng lực hấp thụ vốn của doanh nghiệp. Nhưng bằng cách nào, trong bối cảnh khó khăn chỉ mới giảm đi ít nhiều như hiện nay?
Thời điểm này, Thủ tướng đã nhấn mạnh: “Lúc bình thường thì có chính sách bình thường, lúc không bình thường phải có chính sách không bình thường. Lúc khó khăn phải có chính sách trên tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ” thì mới là phù hợp, đúng đắn, thúc đẩy được sự phát triển”.
Tỷ suất lợi nhuận bình quân của nhiều ngành và nền kinh tế sụt giảm
PV: Không thể phủ nhận nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp của hệ thống ngân hàng từ thời kỳ Covid-19 đến nay. Thời gian qua, ông đánh giá ngành ngân hàng đã có sự trợ giúp cho doanh nghiệp và nền kinh tế như thế nào?
Nguyễn Hoàng Nam: Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước không chỉ làm tốt nhiệm vụ giữ vững được sự ổn định tỷ giá, giá trị đồng tiền, kiểm soát lạm phát và đảm bảo kinh tế vĩ mô, mà còn triển khai rất tốt nhiệm vụ quan trọng là giảm lãi suất điều hành tới 4 lần, các khoản cho vay mới bình quân của 11 tháng năm nay giảm khoảng 3%/năm. Tôi cho đây là nỗ lực phi thường của ngành ngân hàng trong năm vừa qua.
PV: Vâng, nhìn vào dư nợ tín dụng tới 30/11 chỉ tăng 9,15%, trong khi cùng kỳ năm 2022 tăng 12%, ông có nhận xét gì?
Nguyễn Hoàng Nam: Căn cứ theo cận dưới của kế hoạch điều hành (14-15%), toàn hệ thống đang còn khoảng 5% dư địa tăng trưởng tín dụng, tương đương với việc bơm thêm gần 600.000 tỷ đồng cho nền kinh tế trong chưa đầy một tháng, điều này là không khả thi. Như vậy, hệ thống đang dư cung tín dụng lớn mà nguyên nhân chính là sụt giảm của tỷ suất lợi nhuận bình quân của nhiều ngành và của cả nền kinh tế dẫn đến tổng cầu yếu. Thời gian qua, kinh tế Việt Nam gặp vấn đề với cả 2 động lực tăng trưởng là đầu tư và xuất nhập khẩu.
Sau 11 tháng, xuất khẩu giảm gần 6%, các nhóm hàng chủ lực như điện thoại, linh kiện giảm 11% so với cùng kỳ năm trước; máy móc, thiết bị, phụ tùng cũng giảm 6,2%… Thị trường xuất khẩu lớn có chuyển biến nhưng vẫn khó khăn, duy nhất thị trường Trung Quốc xuất khẩu tăng 6,2%, còn lại Mỹ, EU, ASEAN, Nhật Bản đều giảm 6-13%. Nhập khẩu cũng ghi nhận mức giảm gần 11% so với cùng kỳ, trong đó nhập tư liệu sản xuất giảm 10,6%.
Hệ thống đang dư cung tín dụng lớn mà nguyên nhân chính là sụt giảm của tỷ suất lợi nhuận bình quân của nhiều ngành và của cả nền kinh tế dẫn đến tổng cầu yếu.
Đầu tư có 3 nguồn, từ ngân sách nhà nước, từ vốn ngoài nhà nước và vốn đầu tư nước ngoài. Ở đây tôi chỉ bàn về đầu tư công. Tính đến 01/12/2023, nền kinh tế giải ngân được khoảng 549,1 nghìn tỷ đồng, đạt 75%, tuy cao hơn so với cùng kỳ năm 2022 nhưng còn kém rất xa so với kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ giao tại Chỉ thị số 08/CT-TTg là 95%. Không những thế, hiệu quả của dòng vốn này thường thấp. Thực tế này không chỉ làm giảm hiệu ứng dương của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài mà còn ảnh hưởng ngược chiều đáng kể đến vai trò dẫn dắt vốn đầu tư toàn xã hội khi giải ngân chưa như kỳ vọng, cũng là một trong những nguyên nhân lý giải suy giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế của năm 2023.
Dưới góc độ vi mô, câu hỏi đặt ra là doanh nghiệp vay vốn để làm gì và có dễ tiếp cận tín dụng không? Doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện vay thì họ phải trả lời câu hỏi vay để làm gì, không ai vay để sản xuất hàng tồn kho cả. Doanh nghiệp không đủ sức khỏe tài chính thì không tiếp cận được khoản vay. Còn từ góc độ nhà cung cấp tín dụng, không ai dám cho vay dưới chuẩn vì sẽ đối mặt với rủi ro pháp lý. Điều mà các tổ chức tín dụng có thể làm là đơn giản hóa thủ tục hành chính và số hóa một phần quy trình cho vay mà thôi. Với cách tiếp cận như vậy, thực tế ngân hàng thừa tiền, doanh nghiệp đói vốn là hoàn toàn có thể hiểu được.
“Nên chuyển từ cơ chế xin – cho sang đấu thầu room tín dụng”
PV: Sự hồi phục về tốc độ tăng trưởng tín dụng cũng không thể chỉ xuất phát từ nỗ lực duy nhất của ngành ngân hàng. Để giải quyết khó khăn, nội lực vẫn là yếu tố hàng đầu. Vậy thì để nâng cao khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp, trước hết chính bản thân doanh nghiệp cần làm gì, thưa ông?
Nguyễn Hoàng Nam: Kinh tế Việt Nam năm 2023 tăng trưởng không như kỳ vọng chủ yếu do khó khăn khách quan. Từ góc độ môi trường kinh doanh vĩ mô, chúng ta đã gần như làm tất cả những gì có thể để khắc phục. Trong bối cảnh ai cũng khó, quốc tế khó, Nhà nước khó, ngân hàng khó, doanh nghiệp càng phải chủ động nhiều hơn. Còn chủ động như thế nào là bài toán mà ban lãnh đạo doanh nghiệp phải giải vì không ai hiểu về nội tại doanh nghiệp bằng họ cả.
Bên cạnh đó, các hiệp hội ngành nghề cũng nên có thêm các tư vấn về sản phẩm, thị trường, tín dụng, xu hướng biến động, mức độ cạnh tranh… cụ thể hơn cho các doanh nghiệp. Riêng đối với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, có thể nghiên cứu thêm lợi ích của các công cụ phái sinh.
PV: Chủ trì hội nghị bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn về tăng trưởng tín dụng mới đây, Thủ tướng nhấn mạnh lúc bình thường thì có chính sách bình thường, lúc không bình thường phải có chính sách không bình thường.
Theo ông, Chính phủ làm “nhạc trưởng” như thế nào khi ngân hàng giữ nguyên quan điểm kiểm soát rủi ro tín dụng; còn doanh nghiệp, sau nhiều khó khăn thì những tiêu chí tín dụng, mặc dù theo chuẩn cũng trở nên ngặt nghèo?
Nguyễn Hoàng Nam: Càng về cuối năm 2023 càng thấy tính kém hiệu quả của chính sách tiền tệ. Lãi suất thấp, thậm chí là chi phí vốn thấp cũng ít có ý nghĩa nếu doanh nghiệp hoặc là không tiếp cận được, hoặc là không biết vay để làm gì. Ngược lại, doanh nghiệp sẵn sàng vay khi thị trường thuận lợi, biên lợi nhuận của doanh nghiệp đủ lớn để chi trả lãi vay với chi phí vốn cao hơn. Như vậy có thể thấy số tuyệt đối của lãi suất thấp, nhưng vẫn còn cao với “khả năng chi trả” của doanh nghiệp vào những tháng gần cuối năm 2023.
Vai trò “nhạc trưởng” của Chính phủ cần được thể hiện trong việc tiếp tục chỉ đạo ngành ngân hàng cụ thể hóa “chính sách không bình thường” như thế nào trong từng lĩnh vực cụ thể, biên độ của “chính sách không bình thường” ra sao… Cũng nên lưu ý đến vai trò cá nhân (dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đối mặt rủi ro) trong câu chuyện liên quan đến “chính sách không bình thường”.
Room tín dụng hay quota tín dụng là một trong số các vấn đề tồn tại của hệ thống ngân hàng. Khi áp dụng công cụ này, ngoài ưu điểm là can thiệp nhanh, mạnh vào nền kinh tế thì ngay lập tức tạo ra lợi tức hạn ngạch, nghĩa là đem lại lợi ích cho các tổ chức tín dụng sở hữu hạn ngạch, là mảnh đất phát sinh tiêu cực và lợi ích nhóm. Do đó, Chính phủ nên tiếp tục chỉ đạo cân nhắc việc cắt giảm, chuyển từ cơ chế xin – cho sang đấu thầu room tín dụng để đảm bảo hoàn thành đa mục tiêu.
Năm 2024 liệu có thể lạc quan?
PV: Vừa rồi, Quốc hội đã “chốt” mục tiêu tăng trưởng 6 – 6,5% trong năm 2024. Đây là mức khó theo đánh giá chung. Vậy theo ông, chúng ta có thể lạc quan không, và dựa vào đâu để có những cải thiện về tăng trưởng trong năm 2024?
Nguyễn Hoàng Nam: Mặc dù chúng ta đã có những điều chỉnh trong chính sách phát triển, cụ thể là xuất hiện thêm các cực tăng trưởng mới, chú ý nhiều hơn đến liên kết vùng để tạo ra lợi thế so sánh động, nhưng như thế là chưa đủ mạnh để hiện thực hóa các mục tiêu trong dài hạn. Trên thực tế vẫn còn nhiều địa phương chưa chủ động trong việc thúc đẩy và tìm động lực tăng trưởng mới, nhiều bộ ngành không hoàn thành mục tiêu về giải ngân đầu tư công, căn bệnh kinh niên mà vẫn chưa có thuốc trị đặc hiệu.
Động lực tăng trưởng chính vẫn thuộc về lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu. Tiếp theo sẽ là khu vực nông nghiệp, đang dần chuyển vai trò từ “trụ đỡ” sang “trụ chính” của nền kinh tế. Biến tiêu dùng nội địa hy vọng sẽ tăng đáng kể sau cải cách tiền lương, thực hiện từ 01/7/2024.
Mục tiêu tăng trưởng GDP 6 – 6,5% sẽ thành hiện thực khi chúng ta chuyển hướng mạnh hơn nữa sang điều hành chính sách động, theo cách như xây dựng kịch bản ứng phó với các tình huống bất lợi giả định với kinh tế Việt Nam. Nếu xảy ra thì khu vực nào, ngành nào chịu trách nhiệm gánh vác, tỷ lệ bao nhiêu… Nếu làm được như vậy, chúng ta khắc phục được đáng kể nhược điểm của một nền kinh tế quy mô còn khiêm tốn và độ mở cửa thương mại rất cao. Năm 2024 sẽ là năm của các câu chuyện liên quan đến chính sách thu nhập và tài khóa.
Nguồn: Trích dẫn từ reatimes.vn