Báo Nikkei nói về sự “ bứt phá” của Việt Nam trong đại dịch Covid-19

LendbizChia sẻ kiến thứcDoanh nghiệpBáo Nikkei nói về sự “ bứt phá” của Việt Nam trong đại dịch Covid-19

Tờ báo Nhật Bản Nikkei vừa có một bài viết đánh giá cao những thành công kinh tế của Việt Nam trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tàn phá kinh tế toàn cầu.

Theo bài viết, Việt Nam đã tránh được một năm của phong tỏa, của đếm thi thể những ca tử vong vì virus corona, của những bệnh viện quá tải vì bệnh nhân Covid-19, của cuộc tranh cãi về sai lầm trong công tác chống dịch – tất cả những gì mà hàng loạt quốc gia khác trên thế giới đã và đang phải đương đầu.

Đến nay, tổng số ca nhiễm Covid-19 của Việt Nam mới là 1.539 ca, trong đó có 35 ca tử vong – những con số vào hàng thấp nhất thế giới.

Nền kinh tế của Việt Nam duy trì mở cửa, giúp mang lại tốc độ tăng trưởng cả năm vào hàng cao nhất thế giới, trong khi nhiều nước láng giềng chật vật với suy thoái.

Những thành tựu quan trọng của kinh tế Việt Nam trong năm 2020 mà Nikkei điểm lại bao gồm 3 thỏa thuận thương mại, thu hút được nhiều nhà đầu tư nước ngoài lớn như các nhà cung cấp của Apple, và tăng từ vị trí thứ 7 lên thứ 6 về thu nhập bình quân đầu người tại khu vực Đông Nam Á.

Cuộc sống ở Việt Nam và thế giới bên ngoài là hai bức tranh đối lập hoàn toàn. Ở nhiều quốc gia khác, các bệnh viện chật kín bệnh nhân Covid và các gia đình phải ở trong nhà để lây nhiễm virus. Ở Việt Nam, học sinh vẫn đi học, những chuyến công tác hàng tuần vẫn diễn ra, phòng gym vẫn mở, thang máy và xe bus vẫn đông. Và những khác biệt này được phản ánh rõ nét trong nền kinh tế.

“Nhớ lại thời điểm khi Covid-19 mới trở thành đại dịch, nhiều nhà dự báo cho rằng thương mại toàn cầu sẽ sụt mạnh”, Tổng giám đốc (CEO) Don Lam của VinaCapital nói với Nikkei, lưu ý thêm rằng một số người đã tin “Việt Nam sẽ là một trong những nước đối mặt rủi ro lớn nhất vì xuất khẩu đóng một vai trò lớn trong tăng trưởng kinh tế Việt Nam”.

“Nhưng thay vào đó, điều trái ngược đã trở thành sự thật. Mở cửa thương mại góp một phần quan trọng vào sự phục hồi kinh tế nhanh chóng của Việt Nam”, ông nói.

Khi hoạt động mua sắm phục vụ cho xu hướng làm việc tại nhà gia tăng tại Mỹ và châu Âu, xuất khẩu hàng điện tử và nội thất của Việt Nam tăng mạnh theo. Nhiều nhà sản xuất phải chuyển đơn hàng từ các nước lân cận sang Việt Nam vì nhà máy tại các nước đó phải đóng cửa vì Covid. Số liệu mới nhất cho thấy xuất khẩu đồ gỗ và nội thất của Việt Nam trong tháng 11 tăng 47% so với mức 1,05 tỷ USD của tháng 1. Xuất khẩu điện thoại, máy tính và các mặt hàng điện tử khác tăng 56%.

Chiếm lĩnh thị trường đã trở thành một trọng tâm của Việt Nam. Phong tỏa ở mức tối thiểu đồng nghĩa với các công ty ở Việt Nam hồi phục sớm hơn và giành lợi thế ở khu vực. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài xem Việt Nam là điểm đến hấp dẫn, nhờ sự phục hồi kinh tế và Covid-19 không bùng phát trở lại. Ngoài ra, Chính phủ Việt Nam cũng kỹ lưỡng hơn trong việc lựa chọn nhà đầu tư, tập trung vào vấn đề chuyển giao công nghệ để đưa đất nước đi lên trên chuỗi cung ứng.

Nhờ hiệu quả của các nỗ lực chống dịch quyết liệt, Việt Nam đã có được cơ hội kinh tế lớn nhất trong nhiều thập kỷ trở lại đây, Nikkei nhận xét. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Việt Nam tăng 2,9% trong năm 2020, vào hàng cao nhất thế giới. Năm 2021, mục tiêu tăng trưởng kinh tế mà Chính phủ đề ra là 6,5%.

Trong 2020, Việt Nam gia nhập 3 thỏa thuận thương mại. Vào tháng 11, Việt Nam đăng cai lễ ký Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Thỏa thuận tự do thương mại (FTA) giữa Việt Nam với Liên minh châu Âu (EU) có hiệu lực từ tháng 8. Cuối tháng 12, Việt Nam ký FTA với Anh, một trong những FTA đầu tiên của nước này sau Brexit.

Nhờ tăng trưởng kinh tế, GDP bình quân đầu người của Việt Nam đã vượt qua Philippines, theo một báo cáo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hồi tháng 10. Về giá trị tuyệt đối, GDP của Việt Nam đã vượt qua Singapore và Malaysia, theo đó Việt Nam lần đầu tiên trở thành nền kinh tế lớn thứ tư ở Đông Nam Á.

Chính phủ lấy ngành công nghệ làm trọng tâm nhằm đưa Việt Nam trở thành một quốc gia thu nhập trung bình vào năm 2025. Để đạt mục tiêu này, Việt Nam thu hút một loạt dự án đầu tư công nghệ cao trong năm 2020, từ dự án của Petragon – một nhà cung cấp của Apple và Samsung, cho tới dự án của LG Electronics.

Đến cuối năm 2020, gần như tất cả các nhà cung cấp lớn của Apple trong khu vực đều đã mở nhà máy ở Việt Nam hoặc có kế hoạch làm như vậy. Dịch chuyển này là sự tiếp nối xu hướng “Trung Quốc + 1” ở các công ty muốn giảm phụ thuộc vào Trung Quốc vì chi phí ở nước này gia tăng, rủi ro từ thương chiến Mỹ-Trung, và những gián đoạn chuỗi cung ứng do Covid-19 gây ra.

Điện tử hiện đã là nhóm mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, nhưng lĩnh vực này ở Việt Nam chủ yếu vẫn là sản xuất và lắp ráp cơ bản. Chính phủ Việt Nam muốn có thêm những dự án công nghệ cao, thân thiện với môi trường, với giá trị gia tăng lớn hơn.

Qualcomm, nhà cung cấp con chip điện thoại lớn nhất thế giới, phát đi một tín hiệu cho thấy sẽ có thêm những cuộc chuyển giao công nghệ cho Việt Nam. Hồi tháng 6, tập đoàn này khai trương một trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) ở Hà Nội, cơ sở R&D lớn thứ nhì của Qualcomm ở Đông Nam Á, sau cơ sở ở Singapore.

Trả lời